Hạt tiêu dẫn đầu nhóm nông sản chủ lực về tăng trưởng xuất khẩu
Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thì mặt hàng hạt tiêu là nhóm hàng dẫn đầu về tốc độ tăng lượng xuất khẩu cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, lượng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong năm 2017 đạt 214,9 nghìn tấn, tăng 20,8% và kim ngạch đạt 1,12 tỷ USD, giảm 21,7% so với năm 2016.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, đơn giá bình quân mặt hàng hạt tiêu xuất khẩu năm 2017 giảm 35% so với đơn giá bình quân năm 2016, ở mức 5,2 nghìn USD/tấn. Đây là mức giá bình quân thấp nhất tính từ tháng 01 năm 2013.
Thống kê lượng, đơn giá bình quân và trị giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn năm 2013- 2017. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thì mặt hàng hạt tiêu là nhóm hàng dẫn đầu về tốc độ tăng lượng xuất khẩu cao nhất trong vòng 5 năm gần đây (cao gấp 1,6 lần so với năm 2013).
Tốc độ tăng/giảm lượng, đơn giá bình quân và trị giá của một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Mặt hàng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam tăng cao ở hầu hết các thị trường chủ lực (trừ Hoa Kỳ). Cụ thể tăng mạnh về lượng xuất khẩu sang các thị trường như Ấn Độ, tăng 46,1%; Trung Quốc, tăng 62,2%; Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, tăng 0,5% và Pakistan, tăng 21,1% so với năm 2016.
Tuy nhiên, do đơn giá bình quân của mặt hàng hạt tiêu xuất khẩu năm 2017 giảm nên trị giá suy giảm ở hầu hết các thị trường. Cụ thể: mặt hàng hạt tiêu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là 38,8 nghìn tấn, trị giá 221,1 triệu USD, giảm 1,9% về lượng và giảm 35,4% về trị giá so với năm 2016; thị trường Ấn Độ đạt 16,3 nghìn tấn, trị giá 78,8 triệu USD, tăng 46,1% về lượng nhưng lại giảm 6,4% về trị giá so với năm 2016; thị trường Trung Quốc đạt 15,4 nghìn tấn, trị giá 60,1 triệu USD, tăng 62,2 % về lượng và tăng 18,8 % về trị giá so với năm 2016.
Hiện nay, mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 thị trường trên thế giới.
Theo Trí thức trẻ